Lò đốt rác thải sinh hoạt được chế tạo thành công do anh Trần Văn Kiều – trú lại Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định nghiên cứu và cho ra đời.
Năm 2012, anh cũng chính là chủ nhân của máy nghiền rác thải. Sau đó anh đã tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo lò đốt rác thải sinh hoạt bởi theo anh, chi phí đầu tư cho lò đốt rác công nghệ nước ngoài quá tốn kém mà chất lượng chưa chắc đã lâu bền. Ngày nay, sau khi cho ra đời lò đốt rác thải sinh hoạt này, kết hợp cùng máy nghiền rác trước kia đã trở thành công cụ tối ưu cho vấn đề giải quyết rác thải sinh hoạt trong và ngoài tỉnh.
Được biết, lò đốt rác thải sinh hoạt này do anh Kiều kết hợp cùng công nhân của công ty TNHH Tân Thiên Phú – công ty chuyên sản xuất máy móc phục vụ chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp hoàn thành. Lò đốt hoạt động trên nguyên lý tự sinh nhiệt để duy trì quá trình đốt. Lò có thể xử lý các loại rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp.
Như các lò đốt khác, lò đốt do anh Trần Văn Kiều cho ra đời cũng có hai buồng là sơ cấp và thứ cấp. Trong đó, buồng sơ cấp chịu trách nhiệm là không gian sấy rác với nhiệt độ khoảng từ 450 đến 650 độ C. Còn buồng thứ cấp là không gian để rác thải cháy và được xử lý triệt để với nhiệt lượng vào khoảng 650 đến 1000 độ C. Lò đốt này xây bằng gạch chịu lửa nên có sức chịu nhiệt khá cao(tối đa vào khoảng 1450 độ C).
Khi bắt đầu vận hành, dĩ nhiên lò đốt vẫn cần các vật liệu dễ cháy như củi khô, giấy khô hoặc rác dễ cháy để nhóm lò. Sau khi lò đã cháy, người vận hành có thể sử dụng các van dung để điều chỉnh nhiệt độ, không khí và gió. Nhờ việc có thể kiểm soát gió và không khí lưu thông trong lò để cung cấp ô xi nên lò đốt được duy trì bằng chính nhiệt lượng do rác thải cháy tạo nên. Sau khi đốt rác nhóm lò thì nhiệt độ trong lò sẽ tăng từ từ đến ngưỡng 300 độ C, lúc này lò mới chính thức đi vào hoạt động chính và đốt được rác thải. Đầu tiên, rác thải sẽ được đưa vào buồng sơ cấp để sấy khô và đốt cháy bước đầu. Nhiệt lượng và khí từ buồng sơ cấp sẽ được đưa tiếp sang buồng thứ cấp để cháy tiếp. Nhờ sự tiếp nhiệt lượng này mà buồng thứ cấp sẽ tăng nhiệt độ lên khoảng từ 650 đến 1000 độ C trong quá trình đốt. Vì nhiệt độ cao nên mùi khói thải độc hại sẽ bị phân huỷ triệt để, bị bẻ gãy cấu trúc do vậy không còn khả năng làm hại đến môi trường và con người. Rác thải sau khi đốt sẽ còn lại tro, người dân có thể sử dụng tro này để bón ruộng hoặc cải tạo đất.
Vì mô hình của lò đốt rác thải sinh hoạt này hơi nhỏ, và quá trình vận hành cũng khá đơn giản nên nó được sử dụng cho mục đích chủ yếu là xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày của thị trấn và các xã lân cận. Công suất có thể lên đến 300 đến 500kg mỗi giờ. Như vậy rác thải thải ra mỗi ngày ở các xã và thị trấn huyện Xuân Trường đã được xử lý triệt để, hạn chế tối đa tình trạng chôn lấp đất tốn diện tích mà còn ảnh hưởng môi trường đất và chất lượng nước ngầm.
Theo đó, khi máy đi vào hoạt động thử nghiệm, trung tâm Quan trắc và sở Tài nguyên môi trường Nam Định đã có kiểm tra mẫu khí thải và tro thải sau cùng thì các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn không độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ của người dân.
Vì lò đốt rác thải sinh hoạt này có quy mô nhỏ nên dễ dàng lắp đặt, vận chuyển nhanh gọn, thuận tiện. Tuy lò nhỏ nhưng lại có hiệu suất sử dụng cao, xử lý và đốt rác nhanh không bị tồn đọng rác. Hơn nữa lò đốt còn rất tiết kiệm chi phí khi không sử dụng bất cứ nhiên liệu đắt tiền nào như xăng hay dầu…
Sau khi nhận được giấy chứng nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, Lò đốt rác thải sinh hoạt do nông dân Nam Định chế tạo đã được sản xuất và sử dụng phổ biến ở hầu hết các huyện của tỉnh Nam Định và sắp tới là nhiều vùng trên đất nước.
No comments:
Post a Comment